 |
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình phát biểu tại buổi làm việc - Ảnh: VGP/Lê Sơn |
Phát biểu với cán bộ, công chức Ban Tiếp công dân Trung ương, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình biểu dương và đánh giá cao những kết quả mà cán bộ, công chức Ban Tiếp công dân Trung ương đã đạt được năm 2020, qua đó, góp phần vào ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội của các địa phương và cả nước.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ nhấn mạnh: Tiếp công dân là công việc rất vất vả bởi cán bộ tiếp công dân phải thường xuyên tiếp xúc với nhiều người, nhiều đoàn khiếu nại, tố cáo đến với tâm trạng bức xúc, hoàn cảnh khó khăn, oan ức thực sự nên họ đến với các cơ quan tiếp dân để mong được các cơ quan Trung ương giải quyết thấu đáo, đầy đủ, trách nhiệm và đến cùng đối với những khiếu nại, tố cáo của người dân. Bên cạnh đó, cũng có những trường hợp đi khiếu kiện do bị những người xấu xúi giục, lôi kéo đi khiếu nại kéo dài, đông người hoặc có những trường hợp liên tục khiếu nại kéo dài dù đã được giải quyết nhưng không hài lòng, chưa chấp nhận...
Do đó, cán bộ tiếp công dân phải đặt mình vào vị trí của người dân để hiểu được tâm tư, nguyện vọng, bức xúc của người dân để xử lý việc tiếp công dân thực sự hiệu quả, đặc biệt đối với cấp cơ sở nếu thực hiện tốt việc tiếp công dân và giải quyết khiếu nại tố cáo ngay từ địa phương thì sẽ giảm tải cho trụ sở Tiếp công dân của Trung ương rất nhiều.
”Đây là công việc của cả hệ thống chính trị chứ không phải thuần tuý chỉ là công việc của cơ quan tiếp công dân, nhất là đối với chính quyền cơ sở khi thực hiện tốt việc tiếp công dân thì tình trạng khiếu nại, tố cáo gay gắt, vượt cấp sẽ giảm”, Phó Thủ tướng Thường trực nhấn mạnh.
Phó Thủ tướng Thường trực cũng đánh giá cao sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan trong việc tiếp công dân như Thanh tra Chính phủ, Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Văn phòng Trung ương Đảng, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Ban Nội chính Trung ương, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Liên đoàn Luật sư, vai trò của báo chí trong phát hiện, phản ánh, giải quyết vụ việc đã góp phần quan trọng trong tiếp công dân, xử lý đơn thư khiếu nại tố cáo.
Trong đó, đối với vai trò quan trọng của cấp ủy địa phương trong công tác này, nếu bí thư cấp ủy thực sự quan tâm thường xuyên sẽ góp phần không nhỏ vào giải quyết nhiều vụ việc ngay từ cơ sở, không để hình thành “điểm nóng”, phức tạp, kéo dài, đông người tại các cơ quan Trung ương.
Phó Thủ tướng Thường trực yêu cầu Thanh tra Chính phủ cần tổ chức chu đáo việc tiếp công dân và phối hợp với các cơ quan liên quan trong giải quyết khiếu nại tố cáo, nhất là trong thời điểm diễn ra các sự kiện chính trị quan trọng của đất nước như Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc, không để phát sinh “điểm nóng”, nảy sinh các vụ việc mới, tập trung giải quyết dứt điểm các vụ việc tồn đọng, yêu cầu các địa phương tập trung giải quyết dứt điểm các vụ việc gay gắt, bức xúc, kéo dài.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ yêu cầu Chủ tịch UBND các địa phương phải chỉ đạo tập trung xử lý công việc này, phối hợp với Thanh tra Chính phủ để giải quyết đơn thư, mời người dân về địa phương để giải quyết. Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh nào cho rằng đây là việc của Trung ương thì sẽ kiểm điểm, yêu cầu địa phương đó giải quyết dứt điểm trong thẩm quyền.
Đối với các cơ quan báo chí, cần nâng cao vai trò của mình trong công tác phản ánh những khiếu nại, tố cáo đúng của nhân dân đến các cơ quan liên quan để giải quyết nhằm bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân, đồng thời cũng vạch rõ những âm mưu của thế lực xấu trong việc xúi giục người dân đi khiếu kiện, tuyên truyền sâu rộng chủ trương, chính sách và pháp luật của Đảng và Nhà nước trong lĩnh vực này để người dân hiểu rõ, hiểu đúng hơn trong việc thực hiện quyền công dân của mình, góp phần ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, phát triển kinh tế của đất nước.
Lê Sơn