Phó Thủ tướng Thường trực thăm và làm việc tại tỉnh Bình Định - ảnh 1

Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hoà Bình và đoàn công tác làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Bình Định. Ảnh: VGP/Lê Sơn

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng, năm 2016 Bình Định phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức, nhất là trận lũ lịch sử cuối tháng 11, đầu tháng 12/2016. Ước tính, trận lũ này gây thiệt hại lên đến 2.214 tỷ đồng, làm 46 người chết, 7 người hiện vẫn còn mất tích, gần 1.500 ngôi nhà bị sập, hơn 110.697 lượt nhà bị hư hỏng, hàng trăm km đường và cầu cống bị sạt lở, hàng nghìn ha lúa mùa, hoa màu bị ngập và mất mùa hoàn toàn…

“Lần đầu tiên trong lịch sử, trong vòng một tháng, Bình Định gánh chịu 5 đợt lũ lớn với thiệt hại nặng nề vượt khả năng của tỉnh. Tỉnh đã sử dụng hết nguồn dự phòng cho công tác ứng phó với lũ lụt”, Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quốc Dũng nói và cho biết, tỉnh đã kiến nghị Trung ương hỗ trợ nguồn lực để khắc phục hạ tầng giao thông, thuỷ lợi, bảo đảm tính mạng của nhân dân, chăm lo an sinh xã hội, phục vụ sản xuất và đời sống dân sinh khi chuẩn bị đón Tết cổ truyền.

Mặc dù khó khăn là thế, nhưng với nỗ lực của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân, tình hình phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh vẫn có nhiều chuyển biến, kết thúc năm 2016, nhiều chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch đề ra.

Các công tác khác như cải cách hành chính, giải quyết khiếu nại tố cáo, bảo đảm trật tự an toàn giao thông, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, phòng chống tội phạm, công tác dân tộc,… đều đạt kết quả đáng khích lệ.

Đây là nền tảng quan trọng để tỉnh tiếp tục thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội của địa phương năm 2017 và những năm tiếp theo.

Phát biểu tại buổi làm việc, thay mặt Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình chia sẻ những thiệt hại, tổn thất mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Bình Định phải gánh chịu trong 5 đợt lũ lụt vừa qua.

Tuy khó khăn, nhưng tỉnh đã triển khai quyết liệt, huy động sức mạnh của hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân, thực hiện tốt các nhiệm vụ kinh tế-xã hội, làm tốt công tác khắc phục mưa lũ, giữ vững an ninh, chính trị và trật tự an toàn xã hội, an sinh xã hội.

Phó Thủ tướng Thường trực thăm và làm việc tại tỉnh Bình Định - ảnh 2

Ảnh: VGP/Lê Sơn

Cụ thể: Tổng sản phẩm địa phương tăng 7,53%, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 730 triệu USD, khách du lịch đạt 3,2 triệu người, thu ngân sách đạt gần 6.000 tỷ đồng (vượt dự toán 6,3%), 47 dự án đăng ký đầu tư vào Khu kinh tế Nhơn Hội với hơn 31.000 tỷ đồng, có 39 xã hoàn thành xây dựng nông thôn mới.

Trong điều kiện kinh tế khó khăn, nhưng công tác văn hoá-xã hội vẫn được chăm lo tốt, đời sống nhân dân ổn định và từng bước được cải thiện. Tỉnh đã tạo việc làm mới cho hơn 29.000 lao động, tỷ lệ hộ nghèo còn 11,85%.

Công tác cải cách hành chính và cải cách tư pháp được tỉnh quan tâm chỉ đạo theo các nghị quyết của Chính phủ, được cụ thể hoá trong chương trình hành động của tỉnh với trọng tâm là đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, hướng tới nền hành chính phục vụ nhân dân và doanh nghiệp. Năm qua, tỉnh đã tinh giản 110 biên chế, cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 theo danh mục ưu tiên thực hiện năm 2016.

Tuy nhiên, theo Phó Thủ tướng Thường trực, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và sản xuất, kinh doanh hàng giả trên địa bàn vẫn còn diễn biến phức tạp, lực lượng chuyên trách còn thiếu và yếu, dẫn đến công tác đấu tranh còn yếu.

Về chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, qua kiểm tra thực tế trong kho tại Cảng Quy Nhơn các cơ quan liên ngành đã bắt giữ 21 container thuốc lá lậu vi phạm pháp luật và đang tạm giữ tại Cảng, Phó Thủ tướng yêu cầu các ngành chức năng sớm có giải pháp hữu hiệu để xử lý số thuốc lá vi phạm này, đề xuất xử lý ngay chứ không kéo dài. “Nếu tiêu huỷ số thuốc lá này, ngân sách Nhà nước phải bỏ ra đến 46 tỷ đồng là không hợp lý”, Phó Thủ tướng Thường trực lưu ý.

Về nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới của Bình Định, Phó Thủ tướng cho rằng, tỉnh còn nhiều tiềm năng phát triển và lợi thế so với các địa phương khác như điều kiện tự nhiên, nhiều vịnh và cảng biển, lợi thế du lịch, phát triển công nghiệp,… vì vậy, cần đẩy mạnh cải cách hành chính để thu hút các nhà đầu tư chiến lược đến đầu tư, kinh doanh trên địa bàn, nâng cao năng lực cạnh tranh, có kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cho tỉnh.

“Kinh tế biển phải là ngành kinh tế mũi nhọn. Ví dụ như Cảng Quy Nhơn phải phấn đấu là cảng có sản lượng lớn của cả nước”, Phó Thủ tướng gợi ý.

Theo đó, tỉnh cần tập trung thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp trong Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và Nghị quyết Đảng bộ tỉnh, Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ, phấn đấu hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra.

“Bình Định cần tái cơ cấu, tăng cường xúc tiến, thu hút đầu tư, nâng cao năng suất hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng bền vững. Tăng cường công tác dự báo và đề ra các giải pháp ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu và phòng chống thiên tai”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Phó Thủ tướng Thường trực thăm và làm việc tại tỉnh Bình Định - ảnh 3

Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hoà Bình kiểm tra tại Công ty cổ phần Cảng Quy Nhơn. Ảnh: VGP/Lê Sơn

Phó Thủ tướng Thường trực cũng cho rằng, với vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên và xã hội thuận lợi, Bình Định cần tập trung đề ra các giải pháp đột phá mạnh mẽ, khuyến khích khởi nghiệp và phát triển nhanh các doanh nghiệp kinh doanh có hiệu quả, đủ sức cạnh tranh và thu hút đầu tư nước ngoài, nhất là nhà đầu tư chiến lược, bảo đảm phát triển kinh tế phải gắn với bảo vệ môi trường.

Tỉnh phải triển khai quyết liệt các Nghị quyết 19, 35, 60 của Chính phủ về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, đẩy nhanh việc giải ngân vốn đầu tư công.

Đồng thời, cần rà soát quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, mặt nước, chú trọng phát triển kinh tế biển, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, kinh doanh để nâng cao năng lực cạnh tranh nhằm gia tăng chuỗi giá trị sản phẩm.

Theo Phó Thủ tướng Thường trực, Bình Định cần giải quyết tốt các vấn đề xã hội, nhất là đào tạo nghề, giải quyết việc làm; phát triển y tế, giáo dục; từng bước nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, có giải pháp để giảm tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo; quan tâm chăm sóc gia đình người có công, các đối tượng chính sách.

Về cải cách hành chính, Phó Thủ tướng Thường trực lưu ý, tỉnh cần tập trung triển khai các biện pháp đồng bộ và hiệu quả nhóm giải pháp về đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng nền hành chính quốc gia hiện đại, chuyên nghiệp, năng động, phục vụ tốt người dân và doanh nghiệp, tăng cường kỷ luật, kỷ cương. Tiếp tục thực hiện hiệu quả Nghị quyết của Chính phủ về xây dựng Chính phủ điện tử.

Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng đề nghị tỉnh Bình Định quan tâm giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn, giải quyết và xử lý đúng pháp luật các vụ khiếu nại tố cáo, đẩy mạnh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên tinh thần ổn định thị trường, quyền và lợi ích hợp pháp của người sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng; chăm lo đời sống nhân dân trong dịp Tết Nguyên đán, nhất là đối tượng chính sách.

Trước đó, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đã kiểm tra và làm việc tại Công ty cổ phần Cảng Quy Nhơn.

Lê Sơn