 |
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình chủ trì cuộc họp với Bộ Tư pháp. Ảnh: VGP/Lê Sơn |
Cùng dự buổi làm việc có Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc; Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội Lê Thị Nga; Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân và đại diện một số bộ, ngành Trung ương.
Theo báo cáo tại buổi làm việc, trong 6 tháng đầu năm 2016, ngành tư pháp đã khẩn trương triển khai toàn diện các mặt công tác, bảo đảm chất lượng, tiến độ.
Công tác xây dựng, thẩm định, kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa, hợp nhất văn bản quy phạm pháp luật tiếp tục được chú trọng nâng cao chất lượng. Việc rà soát văn bản quy phạm pháp luật được thực hiện thường xuyên, kịp thời phát hiện một số văn bản hết hiệu lực thi hành hoặc không còn phù hợp.
Bộ Tư pháp đã tham gia ý kiến đối với hơn 300 thủ tục hành chính tại gần 50 văn bản quy phạm pháp luật, trong đó đề nghị không quy định 50 thủ tục không cần thiết, sửa đổi 250 thủ tục không hợp lý.
Liên quan đến công tác bồi thường Nhà nước, trong 6 tháng đầu năm, các cơ quan có trách nhiệm bồi thường trên cả nước đã thụ lý 69 vụ việc, giải quyết xong 25 vụ việc, số tiền Nhà nước phải bồi thường là hơn 8,6 tỷ đồng…
Tại buổi làm việc, đại diện Bộ Tư pháp và các bộ, ngành đã chia sẻ những vướng mắc phát sinh trong quá trình phối hợp công tác, nhất là trong lĩnh vực giám định tư pháp, trợ giúp pháp lý, thi hành án, xử lý tài sản bảo đảm…
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cho rằng thời gian qua Bộ Tư pháp đã chủ động, tích cực phối hợp với các cơ quan hữu quan tham mưu giúp Chính phủ chủ trì, phối hợp xây dựng chỉnh lý trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua nhiều dự án luật, pháp lệnh quan trọng, được coi như "rường cột" của hệ thống pháp luật như Bộ Luật Dân sự (sửa đổi), Bộ Luật Hình sự (sửa đổi), Luật Xử lý vi phạm hành chính....
Đặc biệt, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 đã được thông qua với những đổi mới căn bản về quy trình, thủ tục và trách nhiệm xây dựng pháp luật của các cơ quan nhà nước từ Trung ương đến địa phương, qua đó thiết lập hệ thống pháp luật đơn giản hơn, minh bạch hơn, tạo môi trường pháp lý bình đẳng, tạo thuận lợi tối đa cho người dân và doanh nghiệp.
Công tác tham mưu giúp Chính phủ trong việc thẩm định tính hợp hiến, hợp pháp của các dự thảo luật, pháp lệnh trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội bảo đảm gắn kết với công tác kiểm soát thủ tục hành chính, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật và theo dõi thi hành pháp luật, chú trọng tới tính dự báo của chính sách, bảo đảm kiểm soát chặt chẽ tính thống nhất, đồng bộ, khả thi của văn bản quy phạm pháp luật...
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đề nghị ngành tư pháp nghiêm túc nghiên cứu rút kinh nghiệm, bài học để tiếp tục đổi mới, tìm ra giải pháp kịp thời tháo gỡ những tồn tại, hạn chế trong thời gian tới.
Ngành tư pháp cần nắm bắt những định hướng lớn đã được Đại hội XII của Đảng xác định, Chính phủ kiện toàn đã chuyển phương thức chỉ đạo điều hành từ mệnh lệnh hành chính sang Chính phủ kiến tạo phát triển và phục vụ nhân dân. Trong đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định việc xây dựng và hoàn thiện thể chế là nhiệm vụ trọng tâm, ưu tiên hàng đầu để giải phóng và phát huy mạnh mẽ các nguồn lực cho công cuộc phát triển đất nước.
Phó Thủ tướng nêu rõ, Chính phủ quyết tâm đổi mới chủ động và tập trung hơn nữa vào công tác xây dựng thể chế, tăng cường quản lý, giữ vững kỷ luật, kỷ cương hành chính, đồng thời phát huy, bảo đảm dân chủ và chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của người dân.
Bộ Tư pháp cần nhận thức sâu sắc yêu cầu, nhiệm vụ trong bối cảnh mới, tiếp tục đổi mới tư duy, tạo bước đột phá trong tham mưu để giúp Chính phủ quản lý Nhà nước về công tác xây dựng, thi hành pháp luật nhằm bảo đảm quyền con người, quyền công dân, gắn với trách nhiệm, nghĩa vụ thực hiện, tôn trọng kỷ cương pháp luật trên mọi lĩnh vực; tập trung tháo gỡ các rào cản khó khăn vướng mắc trong đầu tư kinh doanh.
Cụ thể, Bộ Tư pháp cần chủ động hơn nữa trong việc tham mưu cho Chính phủ các giải pháp nâng cao chất lượng thể chế, tinh gọn và hoàn thiện hệ thống pháp luật, đáp ứng yêu cầu của nhân dân và thực tiễn xã hội, bảo đảm tính khả thi để thể chế thực sự là động lực quan trọng nhất cho sự phát triển của đất nước, phù hợp với yêu cầu xây dựng Chính phủ kiến tạo phục vụ nhân dân và doanh nghiệp mà Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo.
Phó Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh tới công tác quản trị đất nước bằng pháp luật, tiếp tục đổi mới công tác lập pháp và cải cách tư pháp theo yêu cầu và nguyên tắc Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa gắn với cải cách hành chính, xây dựng nền hành chính hiện đại. Ngành tư pháp cần nghiên cứu để có bước đi, lộ trình phù hợp trong việc xã hội hóa một số dịch vụ trong lĩnh vực tư pháp, pháp luật, bảo đảm phù hợp với đường lối, chủ trương của Đảng.
Đối với dự án Luật Đăng ký tài sản, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ cần cân nhắc, phân định rõ thẩm quyền trách nhiệm của Bộ Tư pháp và các bộ, ngành liên quan, xác định rõ nội hàm và phạm vi điều chỉnh của dự án Luật, tạo môi trường minh bạch, thuận lợi cho sản xuất kinh doanh.
Bộ Tư pháp phối hợp các bộ, ngành rà soát, kịp thời ban hành các văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh, nhất là các văn bản quy định điều kiện đầu tư kinh doanh; tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các giải pháp nhằm thực hiện nghiêm túc, khắc phục triệt để tình trạng nợ đọng văn bản...
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đề nghị Bộ Tư pháp chủ động tham mưu Chính phủ xây dựng kế hoạch, lộ trình phù hợp để thực hiện bước chuyển hướng chỉ đạo chiến lược từ công tác xây dựng và hoàn thiện pháp luật sang trọng tâm là tổ chức và thi hành pháp luật. Hoàn thành chỉ tiêu thi hành án, có kế hoạch giải quyết dứt điểm các vụ việc trọng điểm, phức tạp, kéo dài, trong đó đặc biệt lưu ý các vụ án tham nhũng nhằm thu hồi tài sản nhà nước, các vụ việc liên quan đến tín dụng ngân hàng.
Thực hiện tốt công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo từ cơ sở nhằm hạn chế xảy ra khiếu nại, khiếu kiện vượt cấp, làm phức tạp tình hình. Nâng cao hơn nữa hiệu quả, hiệu lực quản lý Nhà nước trong các lĩnh vực hành chính tư pháp. Chủ động tham gia với Chính phủ, các bộ, ngành về những vấn đề pháp lý đặt ra, phát sinh trong đàm phán, ký kết và thực hiện điều ước quốc tế…
Bộ tập trung nguồn lực để có giải pháp đột phá trong việc thực hiện thành nhiệm vụ xây dựng trường Đại học Luật Hà Nội thành trường trọng điểm đào tạo cán bộ pháp luật và xây dựng Học viện Tư pháp thành trung tâm đào tạo các chức danh tư pháp như Nghị quyết 49 đã đề ra.
Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cũng đã trao Quyết định số 1056/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc bổ nhiệm đồng chí Lê Tiến Châu giữ chức Thứ trưởng Bộ Tư pháp.
Lê Sơn